“Lộ đề” cả hai môn Toán và Văn
Một bất cập khác trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội năm nay là hiện tượng đề thi được truyền ra ngoài khi chưa kết thúc giờ làm bài.
Cụ thể, sáng 7/6, trước khi kết thúc bài thi khoảng 25 phút, tài khoản H.N đăng tải đề thi được cho là môn Ngữ văn vào lớp 10 ở Hà Nội lên mạng xã hội. Sau 10 phút đăng tải, đề thi bị xóa.
Tại cuộc họp thông tin nhanh sau buổi thi, ông Lê Ngọc Quang – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội – xác nhận sau khi tính giờ làm bài khoảng 60 phút, mạng xã hội xuất hiện bản chụp đề thi môn Ngữ văn. Đây là hiện tượng để lọt đề thi, chứ không phải lộ đề, vì không xuất hiện trước khi bóc niêm phong. Do đó, việc này không ảnh hưởng kết quả làm bài của thí sinh.
Đến chiều, đề thimôn Toántiếp tục lọt ra ngoài vào lúc hơn 15h, trong khi giờ kết thúc môn thi là 16h30. Sở xác minh người làm lọt đề cả hai môn là một thầy giáo tại điểm thi THPT Vân Nội.
Sở khẳng định chỉ có đề thi lọt ra ngoài, không có hiện tượng bài giải được truyền vào trong. Do đó, việc lọt đề không ảnh hưởng kết quả thi.
Điểm chuẩn nhảy từ 46 lên 50,5 điểm
Tối 29/6, sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, trường ngoài công lập THCS và THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội, phát đi thông báo mức điểm chuẩn vào lớp 10 học 2018 – 2019 là 46 điểm.
Thông báo của Trường Tạ Quang Bửu cho biết thêm thời gian hiệu lực của mức điểm chuẩn trên từ 8-11h ngày 30/6. Từ buổi chiều, mức điểm có thể thay đổi.
Đầu giờ chiều 30/6, trường này lại phát đi thông báo mới: “Chiều 30/6, trường Tạ Quang Bửu chỉ nhận 30 hồ sơ dành cho học sinh đạt điểm thi từ 49 trở lên. Điểm chuẩn ngày 1/7 sẽ được cập nhật vào 8h sáng 1/7”.
Sau một đêm, điểm chuẩn tăng lên thành 50,5 và trường công bố chỉ nhận thêm 10 hồ sơ nữa.
Trong các thông báo, nhà trường yêu cầu nộp hồ sơ nhập học gồm giấy chứng nhận điểm xét tuyển do phòng GD&ĐT xét, bản sao giấy khai sinh, các loại giấy chứng nhận, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, học bạ bản gốc, photo sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân, ảnh, các khoản thu tài chính.
Nhiều phụ huynh bức xúc khi điểm của con từ đỗ thành trượt sau khi điểm chuẩn liên tục thay đổi. Đối với họ, cách tuyển sinh này là “quá sức chịu đựng” khi điểm chuẩn “nhảy” từ 46 lên tới 50,5.
Ngoài ra, theo phản ánh của phụ huynh, khi nộp hồ sơ, nhà trường còn yêu cầu đóng phí ghi danh và phí dự tuyển hơn 2 triệu đồng.


Phí giữ chỗ
32 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS tại Hà Nội sẽ không có chỗ trong các trường THPT công lập là thông tin đang nóng dư luận. Lợi dụng sự lo lắng của phụ huynh để trục lợi? Cha mẹ của lứa “con dê vàng” này đang khốn khổ vì bị một số trường dân lập lợi dụng thu tiền “phí giữ chỗ”.
Cụ thể, ngày 28/6 là thời hạn nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 đợt 1 của nhiều trường ngoài công lập ở Hà Nội. Để hoàn thành thủ tục, học sinh phải nộp nhiều chứng từ bản gốc như học bạ, giấy chứng nhận điểm, giấy chứng nhận nghề, giấy chứng nhận ưu tiên được cộng điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và các khoản thu.
Theo một số phụ huynh, phần lớn trường ngoài công lập đều yêu cầu nộp hồ sơ và đóng học phí trước khi trường công lập công bố điểm. Điều này gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh, bởi chưa biết con mình có đỗ công lập hay không. Phụ huynh cho rằng hành vi này là “lợi dụng” sự lo lắng của họ để trục lợi.
Ngay sau khi có những thông tin trên, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn gửi hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn về việc thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019.
Theo đó, sở yêu cầu hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Công văn số 1353/SGDĐT-QLT ngày 13/4 về việc hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019: Đối tượng, phương thức, điều kiện, hồ sơ, thời gian tuyển sinh…
Sở yêu cầu hiệu trưởng các trường phải phân công cán bộ tuyển sinh có đủ thẩm quyền trực trong thời gian tuyển sinh đến hết ngày 15/7 (kể cả thứ bảy, chủ nhật) để hướng dẫn, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, tạo thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Học sinh trúng tuyển đã nộp hồ sơ vào trường, khi có nhu cầu được quyền rút hồ sơ, các nhà trường phải tạo điều kiện để học sinh rút hồ sơ.
Các trường công lập không được thu bất cứ khoản đóng góp nào, kể cả bán hồ sơ cho học sinh. Các trường ngoài công lập phải công khai mức học phí và những khoản thu của cả năm học tại địa điểm tuyển sinh.
Hết hạn nộp hồ sơ trường tư trước khi công bố điểm chuẩn trường công
Ngày 28/6, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 song bằng và lớp 10 chuyên năm học 2018-2019. Một ngày sau, điểm chuẩn hệ không chuyên được xác định.
Tuy nhiên, nhiều trường ngoài công lập quy định ngày hết hạn nộp hồ sơ trước khi sở công bố điểm chuẩn vào hệ công lập. Hồ sơ gốc bao gồm cả học bạ. Phụ huynh phải đóng thêm khoản phí không nhỏ đồng thời cam kết không rút hồ sơ và học ổn định tại trường trong 3 năm.
Phụ huynh, học sinh phải “cân não” để quyết định nộp hay không. Nếu không nộp, học sinh không còn cơ hội vào trường khi trượt trường công lập. Nếu nộp, khi nhận thông báo điểm chuẩn, các em trúng tuyển trường công lập lại không có hồ sơ làm thủ tục nhập học.
Trong khi đó, trường Lương Thế Vinh thông báo đã nhận đủ hồ sơ từ ngày 24/6 và ban tuyển sinh nghỉ mát đến hết ngày 2/7. Điều này đồng nghĩa việc những thí sinh đủ điểm vào trường công lập vẫn không thể rút hồ sơ vì trường không làm việc.
Nhiều phụ huynh cho rằng trường cố tình làm khó họ. Chưa kể đến trong trường hợp rút được hồ sơ, phụ huynh vẫn không được hoàn lệ phí đã đóng.
Vì thế, việc Sở GD&ĐT Hà Nội cần đến một tuần để công bố điểm chuẩn sau khi có điểm thi và các trường ngoài công lập kết thúc hạn nộp hồ sơ trước khi có điểm chuẩn khiến không ít người băn khoăn.
Trả lời báoNhân Dânvề vấn đề này, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, cho biết sau khi có kết quả, sở phải rà soát để ghép dữ liệu với thông tin học sinh, đặc biệt là thông tin về nguyện vọng của học sinh, rà soát, đối chiếu, xong phải in ra toàn bộ.
Do đó, cần đến một tuần mới hoàn thành công việc và xác định được điểm chuẩn. Ông khẳng định việc này không có vướng mắc, theo đúng tiến trình, thời gian.
Về câu hỏi liệu các trường ngoài công lập có lợi dụng sự chậm trễ công bố điểm chuẩn và sự lo lắng của phụ huynh, học sinh để ép về thời gian, tiền bạc, gây thêm hoang mang, ông Toản cho rằng việc nộp hồ sơ, lệ phí vào trường do phụ huynh tự nguyện, không thể nói trường ép.
Tuy nhiên, sau khi nhận phản ánh, sở đã yêu cầu các trường tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có nguyện vọng rút hồ sơ, hoàn trả lại các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ.