Cuối phiên chất vấn sáng 6/6 về lĩnh vực giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.Tốt nghiệp đại học
Đề cập tới chất lượng giáo dục đại học, Phó thủ tướng cho hay, ba năm trở lại đây Chính phủ đã quyết tâm đẩy mạnh tự chủ và đặt ra các chương trình rất quyết liệt để đổi mới.


“Chúng tôi đặt ra mục tiêu sau 3 năm, tức là năm nay Việt Nam sẽ có ít nhất một trường nằm trong top 1.000 của thế giới”, Phó thủ tướng nêu.
Đề cập đến khảo sát tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, ông Đam thông tin, các Đại học có đầu vào cao, tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm cũng cao.
Cụ thể, các trường có điểm vào trên 27 thì tỷ lệ học sinh ra trường sau 12 tháng có việc làm (tính từ 2016 trở lại) là 96%; nhóm trường từ 24 điểm đến 27 điểm, tỷ lệ này là 92%; nhóm trường từ 20 điểm đến 24 điểm 84% và nhóm trường từ điểm sàn 15,5 điểm đến 20 điểm 89%.
Tỷ lệ chung sinh viên ra trường trong vòng 12 tháng có việc làm xấp xỉ 90%, chỉ có 11,3% không kiếm được việc làm. “Đương nhiên, những việc làm này không phải tất cả đã phù hợp và đúng với trình độ đại học, vì khảo sát cũng cho thấy rằng 19% số các cháu ra trường nhưng làm công việc không xứng đáng là cấp đại học”, ông Đam nói.
Phó thủ tướng cũng thẳng thắn nêu, trong số các nhóm ngành thì khoa học, giáo dục và giáo viên có tỷ lệ ra trường không tìm được việc cao nhất với 19%. Tương tự, nhóm ngành về dịch vụ xã hội ra trường tỷ lệ không kiếm được việc làm cũng là 19%. Nhóm ngành tiếp theo là môi trường, tỷ lệ không kiếm được việc làm chiếm 17%…
Liên quan đến thông tin 200.000 cử nhân thất nghiệp, Phó thủ tướng cho rằng “yêu cầu cứ học đại học trở lên phải có việc 100% là không đúng”.
Ông Đam dẫn chứng, số người tốt nghiệp đại học thất nghiệp tại Việt Nam khoảng 4%. Con số này ở các nước khác trung bình khoảng 7%.
“Việc một tỷ lệ nhất định dù học tất cả các bậc, tốt nghiệp đại học mà không có việc là bình thường ở thế giới, chính việc đó thúc đẩy cạnh tranh và vươn lên của các cơ sở giáo dục”, Phó thủ tướng nói.
Để khắc phục tình trạng cử nhân thất nghiệp, ông cho biết phải thực hiện hướng nghiệp tốt hơn. “Cụ thể như, xong trung học cơ sở rồi đi học nghề không có nghĩa là trong quá trình đấy chúng ta không dạy tiếp văn hóa cho các cháu, không dạy tiếp kiến thức, chỉ có điều dạy theo cách của người làm nghề” Phó thủ tướng phân tích và đề nghị đại biểu, cử tri ủng hộ phân luồng hướng nghiệp như trên.Tốt nghiệp đại học
Đưa ra khỏi ngành những giáo viên bạo hành Đề cập tới vấn đề tiêu cực, nhất là bạo hành trong mầm non, Phó thủ tướng cho biết mọi người đều chia sẻ và bức xúc. “Đối với các giáo viên không chỉ ở mầm non mà ở các bậc học khác nếu có bạo hành với trẻ em, tôi cương quyết đề nghị trong mọi trường hợp là phải đưa ra khỏi ngành giáo dục”, ông Đam nói. Theo Phó thủ tướng, dù rằng việc đưa ra khỏi ngành có thể làm rất khó khăn cho đời sống sau này của cá nhân người đó hoặc gia đình họ nhưng không thể vì thế làm ảnh hưởng cả ngành giáo dục. |