Thực tế đã có những câu chuyện đau lòng về học sinh trầm cảm, tự tử do áp lực học tập, thi trượt đại học… Hàng ngày ngoài việc học ở trường, tối đến nhiều em vẫn phải miệt mài đến các lớp học thêm để luyện thi, học nâng cao. Bài tập trên lớp chưa làm xong đã có thêm một loạt bài thêm chờ sẵn, cả tuần không có một ngày nghỉ.
Bên cạnh đó, ngoài áp lực bài vở trên lớp, nhiều học sinh còn phải đối diện sức ép từ gia đình, thành tích học tập, thậm chí là kỷ luật khắt khe của trường lớp. Dưới đây là một số cách giảm áp lực khi ngày thi cận kề.
Học đến đâu chắc đến đấy
Theo như bộ đề minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, đề thi năm nay bao hàm kiến thức khá rộng. Trong đó, lớp 11 chiếm 30%, lớp 12 chiếm 70%. Để giảm tải áp lực, sĩ tử nên học các môn theo từng chủ đề và ghi nhớ theo sơ đồ tư duy. Nên nắm bắt các phương pháp học để có thể học đến đâu chắc đến đó, không nên đang học cái này thấy khó một chút là chuyển sang cái khác. Cần tránh tình trạng học nhồi nhét kiến thức,
Chế độ ăn nghỉ hợp lý
Khi ôn tập căng thẳng, sĩ tử sẽ bị mất lượng calo lớn. Lúc này, nếu không có chế độ ăn nghỉ hợp lý, cơ thể sẽ bị kiệt sức. Vì vậy, một ngày bạn cần đảm bảo ngủ đủ 6 – 8 tiếng, không được bỏ bữa sáng. Bạn cũng nên ăn nhiều các loại rau củ quả để cung cấp vitamin cho cơ thể.
Các thực phẩm giàu chất đạm bao gồm thịt, cá, trứng sữa, đậu nành… giúp cân bằng dinh dưỡng và năng lượng. Vitamin như B1, B3, B5, B6, B12 có trong rau, vitamin C có trong rau và trái cây giúp thí sinh giữ được trí tuệ minh mẫn, đôi mắt sáng và thể lực khỏe khoắn. Ngoài ra, thí sinh cũng nên bổ sung chất sắt – thành phần thiết yếu để sản xuất máu. Thiếu sắt sẽ dẫn đến tình trạng mất tập trung, hoa mắt chóng mặt, buồn ngủ khi học bài.


Tập thể thao
Tập luyện thể thao giúp cơ thể tăng cường sản xuất endorphin – một chất dẫn truyền thần kinh giúp tinh thần sảng khoái, tạo cảm giác tích cực, cải thiện tâm trạng và giảm đau tốt. Có rất nhiều môn thể thao phù hợp cho sĩ tử chọn lựa như gym, chạy bộ, bơi, yoga, bóng rổ…
Những bạn ít vận động có thể bắt đầu bằng việc chọn môn thể thao nhẹ nhàng và phù hợp với sở thích như chạy bộ, bơi, cầu lông.
Tâm lý ảnh hưởng đến chất lượng bài thi
Tâm lý là điều vô cùng quan trọng đối với các thí sinh, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của bài thi. Thí sinh phải giữ được tâm lý thoải mái, tự tin thì mới có thể làm bài tốt và hài lòng với kết quả của bài thi.
Các phụ huỵnh học sinh không nên gây sức ép tâm lý lên các em những ngày còn lại này. Thay vì ép con học quá nhiều hay ép con có kết quả tốt vào được trường như ý muốn của mình thì nên động viên các em, tạo cho con mình môi trường và tâm lý thoải mái nhất để giúp các em ôn tập và thi cử tốt nhất.
Tìm hiểu những lựa chọn khác
Hiện nay, ngoài những ngành do các trường đại học chính quy trong nước cấp bằng, học sinh có nhiều phương án khác giúp giảm áp lực thi cử, cũng như phát triển năng lực bản thân. Trước sức ép của kỳ thi thpt quốc gia 2018, các thí sinh rất cố gắng để có thể vào được ngôi trường mà mình mong đợi hoặc ngôi trường theo nguyện vọng của cha mẹ. Tuy nhiên nếu không thành công thì các em vẫn còn rất nhiều “cánh cửa” rộng mở và nhiều sự lựa chọn.
Thay vì suy nghĩ học hành và thi cử như là một nỗi ám ảnh thì các em nên suy nghĩ tích cực hơn, cố gắng và phấn đấu vì tương lai bản thân thay vì học cho xong, thi cho xong.