Đề thi và đáp án môn Ngữ Văn vênh nhau
Một số giáo viên môn Văn tại TPHCM bày tỏ băn khoăn rằng đáp án – thang điểm chấm môn ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mà Bộ GD-ĐT công bố có độ “vênh” với đề thi. Đề không hỏi nhưng đáp án lại yêu cầu phải trình bày.
Điều này được nhiều người cho rằng gây khó cho cả người chấm bởi nếu căn theo đáp án chấm thì thí sinh làm đủ yêu cầu của đề sẽ bị mất “oan” 0.25 điểm.
Ông B., một giáo viên dạy ngữ văn tại TPHCM chỉ ra điểm khiến giáo viên lúng túng khi chấm ở chỗ: Câu 3 phần đọc hiểu yêu cầu “Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích” nhưng không yêu cầu chỉ ra câu hỏi tu từ (câu này 1 điểm). Tuy nhiên, đáp án lại đưa ra 2 phần trong đó, yêu cầu 1 chỉ ra 2 câu hỏi tu từ (0,25 điểm) rồi sau đó mới đến yêu cầu 2 nêu hiệu quả nghệ thuật (0,75 điểm).


Với kinh nghiệm giảng dạy học trò, thầy giáo này cho rằng đa số học sinh chỉ thực hiện đúng yêu cầu của đề, tức là chỉ nêu yêu cầu 2 của đáp án. Bên cạnh đó, một số học sinh biết rõ hai câu hỏi tu từ nhưng vì đề không yêu cầu nên không nêu ra sẽ không đạt điểm tối đa câu này.
“Như vậy, đáp án đã yêu cầu vượt so với đề. Điều này không phải lỗi của các em nhưng nếu các em làm đúng, đủ yêu cầu thì lại bị mất điểm. Cẽ có nhiều em thiếu 0,25 điểm mà không đổ tốt nghiệp, nhiều em thiếu 0,25 điểm mà không đậu đại học”, thầy giáo này băn khoăn.


Tương tự, thầy Đỗ Đức Anh, Tổ phó môn ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cũng cho rằng về nguyên tắc là đề hỏi gì thì đáp nấy nhưng ở đây đề không hỏi mà vẫn yêu cầu người làm trình bày thì không đúng. Ông Đức Anh cho rằng tình huống này từng xảy ra trong đề thi tốt nghiệp THPT 2013, lúc đó đề thi của Bộ hỏi về phong cách ngôn ngữ chỉ yêu cầu thí sinh xác định phong cách ngôn ngữ nhưng trong đáp án yêu cầu thêm thí sinh phải lý giải vì sao văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ đó mới được trọn vẹn điểm.
Ông Đức Anh cũng cho rằng thường những giáo viên luyện thi có kinh nghiệm sẽ dạy thí sinh khi gặp dạng câu hỏi này dù đề không yêu cầu chỉ ra thì vẫn phải chỉ ra, trình bày hoàn chỉnh, không trả lời cộc lốc yêu cầu của đề, để gây thiện cảm với người chấm và thỏa các yêu cầu của đáp án.
Ở đề thi năm nay, câu 3 phần đọc hiểu nếu xét về mặt câu hỏi, thí sinh muốn chỉ ra được có hiệu quả, tác dụng gì thì trước hết phải biết đó là câu hỏi tu từ gì. “Có nhiều em biết nhưng không trình bày ra thì rất thiệt thòi, dễ bị mất điểm. Tuy nhiên, người ra đề cũng có cái lý đó là nếu anh không biết đó là câu hỏi tu từ gì thì làm sao anh biết hiệu quả nghệ thuật của nó”, thầy Đức Anh cũng nhìn nhận. Chính vì thế, ông Đức Anh kiến nghị rằng nên có sự thống nhất ở cách ra đề thi, phải nêu rõ từng yêu cầu, tránh hỏi gì đáp nấy, thực hiện đủ yêu cầu đề nhưng lại mất điểm, gây thiệt thòi cho thí sinh vì câu hỏi không rõ.
Đề thi Văn gây tranh cãi
Thứ nhất, người ra đề lấy bài thơ của Nguyễn Duy làm ngữ liệu là không phù hợp. Nói như một số giáo viên là “lạc thời”. Bởi bây giờ đất nước đã khác rất xa những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ trước, thời điểm bài thơ ra đời. Giờ thì tài nguyên cạn kiệt, môi trường bị huỷ hoại, đất nông nghiệp, ngư trường bị thu hẹp, diện tích rừng còn rất ít, biển chết dần vì ô nhiễm nặng nề… Vậy thì đánh thức tiềm lực gì và đánh thức bằng cách nào?!
Thứ hai,có sự “nhảy múa” giữa hai thái cực khó – dễ trong các câu hỏi. Chẳng hạn:
“Bài thơ được viết theo thể thơ nào” là câu hỏi quá dễ, không xứng tầm với học sinh phổ thông trung học. Ai cũng trả lời được ngay là thể thơ tự do.
Câu “Chỉ ra các tiềm lực tự nhiên” cũng là câu hỏi đơn giản, học sinh tiểu học vẫn có thể chỉ ra như thường sau khi đọc đoạn thơ. Trong khi yêu cầu phát biểu về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước là quá làm khó thí sinh. Chúng tôi cá là đối với những nhà hoạch định chiến lược nhằm phát triển kinh tế đất nước hiện nay còn lúng túng chứ đừng nói thế hệ trẻ 18 tuổi. Mà nếu học sinh nói thật, bộc lộ chân thành chính kiến trước hiện trạng đất nước không khéo chẳng có điểm nào. Còn những em hô hào suông, cảm xúc trống rỗng thậm chí nói dối, nói khác đi, phản ánh ngược hiện trạng của tài nguyên đất nước đôi khi lại đạt điểm cao (!).
Vậy thì mục đích của đề là gì?
Khơi gợi cảm xúc văn chương? Học tập các thủ pháp nghệ thuật của tác giả qua tác phẩm? Bồi đắp tâm hồn hay giáo dục tinh thần yêu nước và lí tưởng sống cao đẹp? E rằng với đề này kết quả là con số không tròn trĩnh.


Thí sinh trong kỳ thi THPT quóc gia 2018. Ảnh: Hoàng Triều
Thứ ba, ở câu hỏi 3 “Câu hỏi tu từ” ở đây có vẻ như không giống tu từ:
“Còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
“Lòng đất rất giàu, mà mặt đất cứ nghèo sao?”.
Theo thiển ý của chúng tôi, hai câu hỏi này thể hiện sự trăn trở của nhà thơ đồng thời cũng là cách đặt vấn đề cho người đọc suy nghĩ để tự tìm câu trả lời. Đây là câu hỏi thẳng, hỏi thật, nói câu hỏi tu từ là không chuẩn xác.
Thứ tư,phần nghị luận văn học yêu cầu thí sinh bình luận về cách nhìn hiện thực của hai nhà văn Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam qua so sánh hai sự đối lập:
+ Bức ảnh và cảnh bạo lực (Chiếc thuyền ngoài xa)
+ Cảnh buổi tối phố huyện cùng con tàu (Hai đứa trẻ) có vẻ khiên cưỡng, gò ép. GS Trần Đình Sử cũng cho rằng: Nguyễn Minh Châu phê phán sự xa rời hiện thực, nhìn hiện thực theo tư tưởng có sẵn, còn Thạch Lam thì từ hiện thực có thật mà mơ ước sự đổi thay… Việc rút gọn hai tác phẩm vào hai cặp đối lập sẽ làm cho thí sinh nhầm lẫn.
Thế là lại thêm một sự đánh đố nữa đối với học sinh.
Tóm lại, một đề văn hay trước hết phải đúng. Từ cách chọn ngữ liệu, cho lệnh hỏi, yêu cầu so sánh, phân tích các ý nghĩa hiển ngôn lẫn hàm ngôn phải hợp lí, tường minh, sát với mục đích mà đề hướng tới. Thiếu hoặc không đáp ứng các chuẩn mực nói trên (và cả những điều kiện khác, nếu có) đều khó có thể là cơ sở tốt để đánh giá đúng năng lực của người học.
Băn khoăn lớn nhất của học sinh và cả phụ huynh là với một đề văn như thế liệu đáp án và quá trình chấm sẽ ra sao? Mong mỏi lớn nhất của tác giả qua bài viết này là ý kiến chính đáng của mình được quan tâm xem xét, để có thể điều chỉnh đáp án chấm thi sao cho bảo đảm được quyền lợi hơn 925.000 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Tiếp đến, hy vọng lớn hơn là chờ đợi lòng trắc ẩn, lương tâm nghề nghiệp của đội ngũ giám khảo chấm thi nay mai được đánh thức. Biết là thầy cô sẽ khó, như người bị trói tay buộc phải xuống nước bơi nhưng hoàn toàn có thể vận dụng câu mở trong tờ cuối đáp án như mọi năm, đại ý: Thí sinh có thể có nhiều cách làm bài khác nhau, nếu thấy hợp lý, lập luận chặt chẽ thì giám khảo vận dụng để cho điểm số tương ứng.