Đề thi THPT quốc gia năm tới chủ yếu đánh giá mức độ học vấn phổ thông
Tuy nhiên, sự vào cuộc sâu hơn của các trường ĐH là cần thiết, ít nhất là tăng cường vai trò giám sát. Một số khâu cũng sẽ quy định rõ hơn vai trò đến từ trường ĐH so với năm 2017, 2018 để phân rõ trách nhiệm.
Bộ đang trong quá trình hoạch định, sửa đổi quy chế để cố gắng sớm hơn. Tuy nhiên cũng nhấn mạnh kỳ thi THPT Quốc gia 2019, 2020 căn bản vẫn ổn định như năm 2018, không ảnh hưởng đến thí sinh. Nếu có thay đổi chỉ là sẽ vất vả hơn cho các thầy cô để kỳ thi nghiêm túc, an toàn hơn”.
Đầu tuần qua, tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi năm tới sẽ không phải để phục vụ mục tiêu “2 trong 1” mà chủ yếu để xét tốt nghiệp. Các trường ĐH có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển hay dùng các phương thức khác.
Trong buổi gặp mặt với báo chí tại TP.Vũng Tàu ngày 29.9, ông Mai Văn Trinh cho rằng kỳ thi được xây dựng trên Nghị quyết 29 với nội dung đổi mới kỳ thi xét tốt nghiệp theo hướng giảm áp lực, tốn kém nhưng đảm bảo độ trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, đồng thời làm cơ sở để tuyển sinh ĐH và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.
“Tại sao để xét công nhận tốt nghiệp? Vì luật Giáo dục quy định học hết 12 năm, các em đủ điều kiện phải dự một kỳ thi xét tốt nghiệp THPT. Còn luật Giáo dục ĐH quy định các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh. Vì thế, Bộ GD-ĐT tổ chức thi ĐH là phạm luật”, ông Trinh giải thích thêm.
Ông Trinh cho biết: “Nếu kỳ thi này còn đủ đảm bảo độ tin cậy, phân hóa được thì các trường ĐH sẽ sử dụng kết quả. Việc sử dụng kết quả của các trường rất đa dạng. Nhiều trường chỉ dùng làm sơ tuyển, nhiều trường kết hợp cả phỏng vấn, đánh giá năng lực…”.
Tuy nhiên, ông Trinh cho rằng như vậy vẫn chưa đầy đủ mục tiêu của kỳ thi. Mục tiêu quan trọng là điều chỉnh quá trình dạy học. “Trước đây, nếu không thi, chất lượng môn giáo dục công dân, lịch sử chưa được như các năm vừa rồi”, ông Trinh khẳng định.
Ông Trinh cũng cho biết đề thi đáp ứng mục tiêu tốt nghiệp là cơ bản. Năm 2018, một trong những điều mà kỳ thi bị đánh giá chưa được là đề thi có một số câu hỏi quá khó, không phù hợp sứ mệnh của kỳ thi.
“Đề cho kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp và làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ. Do vậy, đề thi thiết kế để đánh giá mức độ học vấn phổ thông, gồm các câu hỏi ở mức độ cơ bản và một số câu hỏi có tác dụng phân hóa. Bộ sẽ sớm ban hành đề tham khảo để học sinh tiếp cận”, ông Trinh cho biết.
Tăng cường vai trò của trường ĐH
Liên quan đến những thay đổi của kỳ thi năm 2019, ông Trinh cho biết sẽ nâng cao vai trò tham gia của các trường ĐH. Chẳng hạn, có thể quy định rõ hơn các khâu như phó trưởng điểm thi đến từ các trường ĐH sẽ làm những việc cụ thể hơn các năm trước để làm rõ trách nhiệm, phát huy thêm vai trò, hoặc là vai trò của các trường ĐH trong việc chấm thi.
Theo ông Trinh, Bộ đang hoạch định, sửa đổi quy chế và cố gắng có sớm để thông báo rộng rãi. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2019 cơ bản ổn định như năm 2018. Các thay đổi không ảnh hưởng đến học sinh.